Ngành đo lường Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế

Từ năm 2001 đến nay, các văn bản luật, quy phạm pháp luật là công cụ pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước đã tạo thuận lợi cho quan hệ quốc tế. Ðể phù hợp xu thế phát triển và đo lường đóng góp hiệu quả hơn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội phục vụ CNH, HÐH đất nước, năm 1999, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương ký sắc lệnh công bố Pháp lệnh đo lường (sửa đổi), được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Nội dung cơ bản của đo lường pháp quyền là: xây dựng văn bản luật và quy phạm pháp luật về đo lường; xây dựng hệ thống kiểm định phương tiện đo; quản lý việc sản xuất, nhập khẩu và buôn bán phương tiện đo; quản lý phép đo và hàng đóng gói sẵn theo định lượng.

Trong tiến trình gia nhập WTO và thực thi Hiệp định TBT (rào cản kỹ thuật trong thương mại), nước ta tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho phù hợp nguyên tắc Hiệp định TBT của WTO. Ðồng thời, soát xét và bổ sung hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu khuyến nghị của Tổ chức đo lường quốc tế (OIML), tiêu chuẩn của các nước phát triển và khu vực: ASTM (Mỹ), JIS (Nhật Bản), Nga, Hàn Quốc, kết hợp điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Cho tới nay, nước ta đã ban hành 147 đo lường Việt Nam (ÐLVN) và đến cuối năm 2005 có thêm 29 ÐLVN được phê duyệt. Theo thống kê mỗi năm, hàng nghìn ÐLVN được cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về đo lường. Nhiều văn bản pháp luật và kỹ thuật là cơ sở bảo đảm quản lý thống nhất hoạt động đo lường trong cả nước, nhằm phục vụ kịp thời và hiệu quả sản xuất kinh doanh, an ninh quốc phòng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, góp phần giữ vững và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế của nước ta vào khu vực và toàn cầu.

Trung tâm Ðo lường Việt Nam trong những năm qua tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về ứng dụng và quản lý, bao gồm: Ðề tài Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị kiểm định máy đo điện tim, điện não, Nghiên cứu thiết kế chế tạo công-tơ chuẩn kiểu điện tử, Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống thử nghiệm mẫu cột đo nhiên liệu… những đề tài này không những mang ý nghĩa khoa học mà còn chứng minh khả năng nghiên cứu, chế tạo các chuẩn có độ chính xác cao ở Việt Nam và phục vụ đắc lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường ở nước ta. Các đề tài mang tính quản lý như: Nghiên cứu quy hoạch hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2010, Nghiên cứu quy hoạch hệ thống hiệu chuẩn, Nghiên cứu dẫn xuất chuẩn đo lường…. góp phần đáng kể tạo dựng mô hình, mục tiêu của đo lường phù hợp công cuộc CNH, HÐH đất nước.

Nhiều năm qua được Nhà nước đầu tư, chúng ta đã hình thành hệ thống chuẩn đo lường của các đại lượng cơ bản và dẫn xuất gồm nhiều lĩnh vực. Ðộ dài, khối lượng, thời gian, tần số, nhiệt, điện, hóa lý, mẫu chuẩn. Một số chuẩn đo lường đạt tới trình độ cao trong khu vực như: Chuẩn về thời gian tần số, chuẩn độ dài đầu laze ổn định tần số bằng i-ốt, quả cân chuẩn một kg, chuẩn điện trở, điện áp một chiều.

Hệ thống chuẩn đo lường được bảo quản, khai thác tại các tỉnh, thành phố và nhiều tổ chức, cơ sở đo lường cấp ngành, như: Quốc phòng, bưu chính viễn thông, điện lực, xăng dầu, dầu khí, khí tượng, thủy văn, v.v. các chuẩn này giữ vai trò hình thành hệ thống liên kết chuẩn và bảo đảm đo lường, bảo đảm tính thống nhất và chính xác của phép đo từ phương tiện đo đang sử dụng trong lĩnh vực kinh tế, đời sống, an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ðể liên kết hệ đơn vị quốc tế SI, định kỳ hằng năm, những chuẩn này đều hiệu chuẩn tại các viện đo lường ở CHLB Ðức (PTB), Hàn Quốc (KRSS), Trung Quốc (NIM). Việc thường xuyên bảo đảm dẫn xuất chuẩn đến hệ đơn vị quốc tế SI, cũng như tham gia vào chương trình so sánh vòng, đang từng bước khẳng định vị thế của đo lường Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực công nghiệp, đo lường gắn liền với sản xuất của doanh nghiệp phục vụ duy trì và cải tiến công nghệ, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ðể bảo đảm tất cả các chuẩn và phương tiện đo/thử nghiệm dùng trong công nghiệp đều được liên kết tới chuẩn đo lường quốc gia (trực tiếp và gián tiếp), hệ thống hiệu chuẩn dần được hình thành. Hằng năm riêng Trung tâm Ðo lường Việt Nam đã hiệu chuẩn hàng nghìn phương tiện ở các phòng hiệu chuẩn được công nhận, cho nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.

Nhằm nâng cao năng lực và chất lượng của các phép đo/thử nghiệm và hiệu chuẩn, nhiều doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và ISO/IEC 17025. Cho tới nay, hơn 200 phòng thí nghiệm/hiệu chuẩn trong nước được công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025. Tổ chức, quản lý và phát triển đo lường tại doanh nghiệp theo yêu cầu của hệ thống chất lượng là phù hợp nhiệm vụ của đo lường trong công nghiệp. Ðó là: bảo đảm các chuẩn và phương tiện đo dùng trong công nghiệp đều nối với chuẩn quốc gia đồng thời thiết lập, cải tiến và nâng cao không ngừng trình độ công nghệ đo lường để luôn luôn đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh.

Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, chẳng hạn: Thành viên chính thức của Chương trình đo lường châu Á – Thái Bình Dương (APMP) năm 1992. Thành viên hợp tác của Tổ chức Ðo lường hợp pháp quốc tế (OIML) năm 1994. Thành viên chính thức của Diễn đàn Ðo lường hợp pháp châu Á – Thái Bình Dương (APLMF) năm 1995. Thành viên hợp tác của Hội nghị Cân đo quốc tế (CGPM) năm 2003.  Thông qua việc tham gia các tổ chức này, trong thời gian qua, đo lường Việt Nam thường xuyên được tiếp cận, cập nhật, trao đổi thông tin và trợ giúp của nhiều viện đo lường (NMI) trong tổ chức.

Là thành viên chính thức của APMP, trong thời gian qua, Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế, nổi bật là: Năm 2002, tổ chức Hội nghị toàn thể APMP lần thứ 18 tại Hà Nội. Hội nghị tập trung thảo luận và nhất trí những vấn đề: Chuẩn đo lường quốc gia và thỏa thuận toàn cầu về đo lường (MRA) đối với nền kinh tế đang phát triển, bảo đảm liên kết chuẩn đo lường quốc gia với chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên, nâng cao trình độ đo  lường nhằm đạt được sự công nhận của quốc tế. Từ năm 2003 đến nay, trong khuôn khổ Nghị định giữa Việt Nam, Hàn Quốc và Thái-lan, Trung tâm Ðo lường tiến hành hợp tác với các đối tác nói trên về đào tạo kỹ thuật đo lường, so sánh song phương về một số phép hiệu chuẩn, trao đổi thống nhất một số quy trình hiệu chuẩn và phương tiện đo.

Ðể đo lường Việt Nam phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế, đóng góp ngày càng có hiệu quả vào sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, ngành đo lường Việt Nam đang vươn lên vượt qua thách thức, đó là: tập trung xây dựng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; chuẩn hóa văn bản pháp quy cùng các quy định về đo lường của nước ta ngang bằng với khu vực và quốc tế. Ðồng thời, ngành cần  đẩy mạnh phát triển hệ thống phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn xây dựng và phát triển đo lường trong công nghiệp, góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Trung tâm Ðo lường Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call 0945-94-2992 Chat Z Chat